Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXVII Mùa Thường Niên (Lc 11,1-4) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 11,1-4

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Gl 2, 1-2.7-14

Vụ rắc rối tại Antiôkia mà Phaolô kể ra hôm nay, là một thời sự nóng bỏng. Chúng ta thường hay nói về việc bất ổn trong Giáo hội, chúng ta công nhận có sự chống đối nhau giữa các Kitô hữu thủ cựu và cấp tiến, và có thể chúng ta bực mình trong việc tranh luận về quyền bính... hãy xem thái độ quân bình sâu xa, nhưng không dễ dàng, của Phaolô khi phải chạm trán với Phêrô.

1. Muốn có một Hội Thánh duy nhất thì phải có sự hiệp thông trong cùng một Tin Mừng.

Rồi sau mười bốn năm. Tôi lại lên Giêrusalem... Tôi đã trình bày cho các ông ấy Tin Mừng tôi rao giảng giữa các dân ngoại... Tôi muốn biết mình đã ngược xuôi mà chẳng được gì chăng, các ông thấy rằng tôi đã được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không cắt bì, cũng như ông Phêrô được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người cắt bì.

Dù ngoan cố đến đâu đi nữa, khi người ta muốn lột bỏ tước hiệu tông đồ của ông, thì Phaolô vẫn ý thức rằng nhiệm vụ của ông là phục vụ Hội Thánh bằng cách hợp tác với các người có nhiệm vụ tương tự trong Hội Thánh.

Ông quyết tâm làm cho các anh em ở Giêrubalem là Giáo Hội Mẹ, thừa nhận Tin Mừng mà ông rao giảng. Nếu không, thì việc “ bôn tẩu của ông trở nên vô hiệu”, như lời ông nói.

Ngày nay cũng thế, người ta không hành động "lẻ loi", âm thầm, kín đáo. Tôi đã lo lắng thế nào cho sự hiệp thông của Giáo hội toàn cầu: Tôi có chấp nhận, có ước ao các anh em kiểm soát tôi trong đức tin không? Tôi có biết đối thoại và chia sẻ như thế không? Hay là tôi đã cho mình vững chắc, không cần nhờ đến ai?

Vậy khi nhìn nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Giacôbê, Kêpba và Gioan, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Barnaba, để tỏ dấu hiệp thông.

Giacôbê, Giám mục thủ cựu của Giêrusalem, rất trung thành với truyền thống và thói tục Do Thái...

Phaolô, vị thừa sai lưu động, ông cũng là người Do Thái, nhưng trước tiên ông lo mở đạo cho dân ngoại...

Phêrô, người phụ trách của nhóm Mười Hai, người mà ai cũng phải hỏi ý kiến.

Họ nhìn nhận rằng họ hiệp thông với nhau, họ cùng có một Tin Mừng, họ làm thành một Hội Thánh. Họ "bắt tay nhau”. Tôi dành thời giờ để suy nghĩ về cử chỉ này. Và tôi cầu xin cho Hội Thánh ngày nay.\

2. Một Hội Thánh có tự do ngôn luận, bắt buộc phải thành thật với nhau.

Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkia, tôi đã cự lại với ông ngay trước mặt vì ông đã làm điều đáng trách…Vì sợ các tín hữu gốc Do-thái…Tôi nói với ông Kêpha trước mặt mọi người…

Tại Công đồng Giêrusalem, mọi người đã quyết định mở rộng cửa Hội Thánh cho dân ngoại mà không bắt buộc họ tuân hành luật Môsê. Nhưng trong thực hành, nhiều việc kiêng cữ vẫn tồn tại : Các người Kitô hữu gốc Do Thái vẫn còn giữ ít nhiều phong tục của thời quá khứ, chẳng hạn, họ còn giữ phép cắt bì : và từ chối không ngồi ăn chung với các người không cắt bì (các người ngoại tòng giáo, không giữ luật này). Bởi vì, theo luật Môsê, họ cho đó là nguồn mạch nhơ uế theo luật.

Và Phêrô, mặc dù có quyết định của Công đồng, vẫn còn "sợ"... ông sợ "người ta sẽ nói sao". Phaolô chống đối kịch liệt. Ông nói : Như thế là đức tin bị thiệt thòi : "Những ai hành động như thế, không đi thẳng theo chân lý của Tin Mừng !".

Trong các ngày kế tiếp chúng ta sẽ thấy cuộc tranh chấp diễn ra thế nào.

Bài đọc II : Gn 4, 1-11

Khi thấy Chúa đã tha cho dân Ninivê. Giona buồn bực quá sức và giận dữ : ông cầu nguyện cùng Chúa rằng : “Lạy Chúa, chớ thì chẳng phải như lời tôi đã cầu xin khi tôi còn ở quê nhà sao ? Bởi đó tôi trốn sang Tharsê.

Giona tin rằng mình chỉ có trách nhiệm loan báo hình phạt rửa hận chống Ninivê, đã giận dữ khi nhận thấy họ hối cải.

Chúng ta nghe trước phản ứng của người con trưởng trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng, đã giận dữ khi thấy em mình được tái nhập vào nhà cha. Đôi khi đây lại chẳng phải là phản ứng của chúng ta sao ? Dầu vậy, Chúa Giêsu đã lặp lại rằng: “Niềm vui của Thiên Chúa" là tha thứ, và chúng ta phải "vui mừng với Người" (Lc 15,6-7).

Tôi biết rằng Chúa là Thiên Chúa khoan nhân từ bi nhẫn nhục, đầy tình thương và tha thứ tội ác.

Cả tôi nữa, tôi biết tất cả điều đó. Tôi như không còn ngạc nhiên về điều đó nữa.

Dầu vậy, lạy Chúa, Chúa còn phải nói lại với con rằng Chúa là như thế đó... đối với con, cũng như đối với mọi người... với những kẻ tội lỗi nhất. Việc Con Chúa đến, "từ trời xuống vì loài người chúng con và vì phần rỗi chúng con”, là bằng chứng rõ ràng và dứt khoát về điều đó?

Phần con, con có là hình ảnh Chúa, "khoan nhân từ bi, nhẫn nhục, đầy tình thương và tha phạt cho bất cứ người nào" không?

Giona ra khỏi thành phố và ngồi... Chúa khiến một cây dưa mọc lên khỏi đầu ông Giona rợp bóng trên đầu ông, che mát cho ông, nhờ dây dưa đó, ông Giona rất hân hoan vui mừng...

Thiên Chúa đầy tế nhị, đồng thời cũng hài hước! Tội nghiệp Giona, trong cơn ghen tương gắt gỏng, chính ông là người đau nhiều nhất.

Sáng sớm hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn dây dưa và nó ra khô héo. Khi mặt trời mọc lên, Chúa khiến cơn gió nóng thổi lên và mặt trời giọi xuống đầu ông Giona, ông nóng nực và xin cho mình chết.

Sau con vật lớn, con cá to lớn, đã đưa Giona trở lại đúng đường, bây giờ một con vật nhỏ, con sâu nhỏ bé, sắp cho phép rút ra bài học chót ! Ta thán phục nghệ thuật kể truyện và cùng lắng nghe điều sắp đến:

Chúa phán cùng ông Giona rằng: “Ngươi có nghĩ ngươi giận vì dây dưa là đúng không? Ngươi buồn bực vì dây dưa mà ngươi không mất công vun trồng, không làm cho nó mọc lên, và đêm nay nó mọc lên và đêm sau nó khô héo”.

Hiển nhiên, đây là cực độ? Giona dường như thích dây dưa quan phòng chỉ cho ông bóng mát, hơn là cả thành Ninivê.

Trái lại, Thiên Chúa dẫn dụ rằng nhân loại sống ở Ninivê làm Chúa tốn hao nhiêu công lao và cực nhọc.

Lạy Chúa, thật là một mạc khải cho chúng con! Con nghĩ tới nhân loại HÔM NAY, và con mường tượng nỗi ưu tư chúng con dành cho Chúa. Khi là cha mẹ trong gia đình có nhiều con cái, thật hiếm có ngày người ta không phải chịu những vấn đề nặng nhọc vì chúng. Và lạy Chúa, Chúa là Cha của bao nhiêu con cái mà Chúa hằng yêu thương!

Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?

Thiên Chúa yêu thương? Thiên Chúa muốn sự sống và hạnh phúc cho hết mọi con cái Người. Đó là kết luận đáng thán phục của dụ ngôn này. Tôi cầu nguyện từ điều đó.

BÀI TIN MỪNG: Lc 11, 1-4

Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia.

Hôm qua, ta đã thấy Đức Giêsu nói với Martha (và cả với ta nữa): con quá náo động!

Thế giới hiện nay rất giống thái độ của Martha: Tất cả chúng ta lũng đoạn, bị dồn thúc, bị khích động. Tôi không nhớ quí ông bà nào một hôm đã nói với tôi rằng, họ rất thích cầu nguyện... nhưng kiếm không ra giờ, giữa những công việc chồng chất khẩn thiết mỗi ngày.

Lạy Chúa Giêsu, con chiêm ngưỡng Chúa đang cầu nguyện. Xin ban ơn giúp con mỗi ngày biết dùng thời giờ"ngồi dưới chân Chúa". Có lẽ con có nhiều việc phải làm trong chính lúc này, nhưng dù những gấp rút chờ đợi, không có gì khẩn cấp bằng lắng nghe Chúa và cố gắng đáp lại lời Chúa.

Người cầu nguyện xong.

Ở bên Người, họ chờ đợi Người kết thúc cầu nguyện... Tôi thấy họ kính trọng giờ phút cầu nguyện của Đức Giêsu biết bao? Chúng ta cũng đừng quấy rầy Người... hối thúc Người không gì khẩn thiết hơn bằng giờ cầu nguyện như thế.. Chờ đợi 10 hay 20 phút nữa, Người sẽ kết thúc. Lúc đó, ta sẽ đặt vấn đề với Người. Trong khi chờ đợi, ta hãy chiêm ngưỡng Người . Đức Giêsu đang cầu nguyện...

Người cầu nguyện xong, thì có một người trong Nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn-đệ của ông.

Chắc chắn Gioan Baotixita đã dùng bản văn riêng để dạy cầu nguyện: Sốt sắng chờ đợi Vị Thiên Sai sắp đến.

Môn đệ của Đức Giêsu có lẽ cũng thích một kinh nguyện do Đức Giêsu trao ban, liên hệ đến Nước Thiên Chúa giờ đây đã khởi sự.

Người bảo các ông : "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha... Abba".

Đó là lời cầu nguyện phát xuất từ Đức Giêsu. Thật rất thú vị, khi ghi lại khác biệt giữa “Kinh Lạy Cha” do Matthêu (6,9) kể lại, và bản kinh mà Luca tường thuật cho ta ở đây. Cả hai thánh sử đều trình bày cho ta bản văn quen dùng trong các cộng đoàn riêng biệt của các ông…Nếu không thì chính Đức Giêsu đã trao ban kinh này qua nhiều bổ sung và giải thích vừa khác nhau vừa giống nhau. Hôm nay, ta cần khám phá lại sự “khác biệt” này trong các nghi thức phụng vụ, nhưng bản chất vẫn là một.

Matthêu

- Lạy Cha chúng con, Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh hiển vinh.

- Triều đại Cha mau đến,

- Tôn ý Cha thành sự dưới đất cũng như trên trời.

- Xin cho chúng con ngày hôm nay lương thực cần dùng,

- Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con,

- Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

- Nhưng xin cứu khỏi tay ác thần.

Luca

Lạy Cha, xin làm cho danh thánh hiển vinh.

Triều đại cha mau đến.

(…..).

xin cho chúng con hằng ngày lương thực thường dùng.

Xin tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha cho tất cả những ai có lỗi với chúng con.

Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

- ( ……)

Trong bản dịch trên, chúng tôi dịch mỗi từ Hy Lạp bằng cùng một từ đều có trong Matthêu và luca. Nhưng chúng tôi dịch bằng một từ khác nhau, khi có một từ Hy Lạp khác. Như thế là có bảy lời cầu xin theo Matthêu…và năm lời theo Luca.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Lạy Thầy xin dạy chúng ta cầu nguyện.

HOÀN CẢNH:

Cả hai thánh sử Matthêu và Luca đều cung cấp cho chúng ta một bài giáo huấn về sự cầu nguyện.

Nhưng Matthêu viết cho kitô hữu gốc Do Thái và chú trọng đến việc sửa chữa những khuyết điểm của họ trong khi cầu nguyện.

Còn Luca thì viết cho kitô hữu gốc ngoại, là người thực tế chưa biết gì về cầu nguyện, và cần được khuyến khích nhiều trong công việc cầu nguyện.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Cầu nguyện là một sinh hoạt truyền thống của mọi tôn giáo. Chúng ta đã cầu nguyện nhiều và cầu nguyện mỗi ngày, nhưng chúng ta phải khiêm tốn để nhận thực rằng chúng ta chưa biết cầu nguyện. Vậy qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúng ta mặc lấy tâm tình của các môn đệ xưa để thành tâm xin Chúa dạy chúng ta cầu nguyện.

2. Qua mẫu gương kinh lạy Cha, chúng ta nhận thức rằng lời cầu nguyện đích thực cần phải được quy hướng về Thiên Chúa và những nhu cầu của Nước Trời ( ba lời nguyện ) trước khi chúng ta cầu nguyện cho những nhu cầu tinh thần và vật chất cho đời sống con người (bốn lời xin). Điều này chứng tỏ ; Cầu nguyện là thờ phượng, tôn vinh Chúa chứ không phải để cầu xin ơn này ơn kia.

3. Khởi đầu kinh, Chúa Giêsu dạy ta xưng Thiên Chúa là ‘Cha’ để tỏ ra tinh thần đạo Công Giáo của chúng ta là đạo của ‘Cha con’. Người kitô hữu chúng ta mỗi khi đọc hai tiếng ‘Lạy Cha’, cảm thấy lòng đầy vui sướng hạnh phúc và đầy hy vọng để cầu nguyện với Thiên Chúa.

4. Năng đọc kinh Lạy Cha để ý thức Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái, phải hiếu thảo với Chúa trong việc thờ phượng và vâng phục ý Chúa mọi nơi, mọi lúc và mọi việc.

5. Lời cầu xin: ”Chớ để chúng con sa chước cám dỗ “.

- Thiên Chúa không cám dỗ ai (Ga 1,13) nhưng Người chỉ thử thách để thanh luyện đức tin như thử thách Áp-ra-ham. Gióp và nhiều vị Thánh. Đây ta xin Chúa đừng để ta gặp cơn thử thách quá sức ta; và xin Chúa ban thêm sức, đức tin vững mạnh để vượt qua các cơn thử thách.

- “ Nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ ở đây hiểu là ma quỷ cám dỗ. Vì trước sức mạnh và mưu mô quỷ quyệt của ma quỷ, chúng ta xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta khỏi bị sa ngã.

6. Sống giữa một xã hội đầy rẫy những cám dỗ của ma quỷ ,của thế gian và xác thịt, chúng ta phải năng đọc kinh Lạy Cha để ý thức về sự yếu đuối của mình và trông cậy vào ơn phù trợ của Chúa. Vì “ Ơn phù trợ chúng con ở nơi danh Chúa”.

7. Trong mỗi thánh lễ, Chúng ta cùng nhau hướng về Thiên Chúa và dâng lên người lời kinh : “ Lạy Cha chúng con ở trên trời... “ Chúng ta vui mừng vì có cùng một cha chung và vì vậy thúc đẩy chúng ta sống với nhau trong tình huynh đệ trong cuộc sống hằng ngày.

Xem thư thánh Âu tinh : Lời kinh Chúa Giêsu dạy các tông đồ. Bài đọc 2 thứ Ba tuần 29 thường niên ( Sách bài đọc giờ kinh, tập 4,trang 353).

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.